Hồi ức, 09.04.2021

Cuốn nhật ký này chỉ bắt đầu từ năm 2019 nhỉ, trước 2019, bạn đã thấy qua tôi chưa?

Thấy qua một ” tôi” càng u tối xấu xa, càng cô độc hơn?

Thấy qua một “tôi” tự yêu lấy chính mình, tự hủy hoại bản thân, muốn đồng quy vu tận?

Thấy qua…

Ánh sáng sao trời tôi thắp không nổi, đại địa mênh mang tôi bất lực, chỉ có thể trơ mắt nhìn bóng tối bủa vây. Bước chân hướng về Bắc Đẩu, chỉ mong nắm lấy ánh sáng phía trước…

——-

Tận lực hồi ức, không có sắp xếp.


Ngày thứ năm, tôi nhớ là vậy, sáng sớm mùa hè sương lạnh còn vương trong vườn cây ông ngoại tự tay trồng, chú chó lớn lên cùng tôi mười năm đã trút hơi thở cuối, trong căn nhà hoang thời bao cấp chưa dỡ bỏ hoàn toàn cạnh căn nhà mới, khắp nơi là những bức tranh bằng bút sáp đã phai mờ. Có công chúa với vương miện lệch tóc, có chó con, có hoàng tử nhỏ, con mèo có gà, có cầu vồng tám chín màu, có chiếc ô lam nhạt xoè tán.

Mà chú chó của tôi, lặng lẽ ngủ cạnh tường. Thân xác lạnh lẽo cứng đờ, tôi lay không nổi, xác cứng quá, tôi kéo không được, em ấy không đi.

Ngày hôm đó, tôi không biết được đau khổ là gì, tôi không hiểu, tôi chỉ biết tôi nên khóc. Người bạn đầu tiên của tôi đã nói lời tạm biệt rồi, khi đó hình như tôi vẫn còn đang đọc những cuốn sách vỡ lòng năm thứ tư.

Sau này vẫn luôn nhớ đến em ấy, tôi lại không thể nào nhớ rõ cảm giác đau khổ có từng tồn tại hay không.

Nhưng mà ai cũng có thể quên, tôi không thể. Quên rồi, tôi sợ sẽ quên luôn đứa bé từng tức giận, đóng sập cửa phòng khóc oà khi chú chó của tôi bị ông cho người ta làm thịt mà không phải là chôn cất.


Hoa quỳnh nở dưới ánh trăng đẹp nhất.

Ông ngoại cho tôi chứng kiến những sinh mệnh mong manh lặng lẽ nở rộ như người gác đêm. Tôi còn nhớ, thời điểm ấy ông tắt đèn trong sân đi, chỉ còn ánh sáng hắt từ cửa sổ nhà hàng xóm sang khoảng sân nhỏ, khóm hoa quỳnh được ông rào đứng từng bông trắng muốt tinh xảo, nhiễm ánh trăng màu bạc lành lạnh, tôi lúc đó chỉ nghĩ, mấy bông hoa thôi, đẹp nhưng mà đâu có lung linh phát sáng như trên phim hoạt hình chứ.

Sau này chỉ còn là hồi ức, mới luôn nhớ nhung vẻ mỹ lệ của nó. Nhớ từng cánh hoa rơi vào mặt hồ kí ức, sóng nước vỗ về.

Hồi nhỏ tôi đặc biệt hiếu học, mười ngàn câu hỏi vì sao không dứt, nhưng mọi người vẫn hay chê cười tôi là đứa ngố tàu. Tôi lúc ấy đặc biệt ghét mình bị nói là ngố, cho dù ý chỉ đáng yêu, vẫn rất tự ái.

Tôi của năm tuổi hỏi ông ngoại thế giới này xoay chuyển thế nào, sao mấy cái cốc này lại ví thành Trái Đất Mặt Trăng được? Hỏi vì sao tôi chạy mặt trăng cũng chạy theo, tại sao dừng rồi mặt trăng lại không chịu dừng? À, ra là hiệu ứng những đám mây lớn bị gió thổi bay mà thôi.

Những chòm sao trên trời sao ông lại phân biệt được? Toàn là chấm và chấm mà.

Bắc Đẩu Thiên Hùng Thiên Nga là cái gì thế? Nhìn cong vẹo mãi mới ra con ngỗng trời.

Từng vì một bà cụ côi cút bán đồ tạp hoá trong căn nhà cũ kĩ cạnh nhà mà lén trộm bánh trái đi tặng, cuối cùng ông ngoại lại cười bảo thế có thấy trang sức người ta đeo không?

Kí ức gối lên những trang giấy thơm phức, mùi mực tím rẻ tiền, ngòi bút kim loại lạo xạo, những ngón tay vì nắm chặt bút quá lâu mà vẹo cả xương ngón. Gió hè nóng nực, tiếng ông ngoại dạy đứa cháu chơi cờ vua, sàn đá mát lạnh, tiếng quạt nan của bà ngoại khẽ rít, tiếng ve râm ran đau đầu.

Năm tôi lên sáu, rời xa gia đình vốn bận bịu vì kế sinh nhai, được gửi nhờ ông bà nội. Tiếng ve dế không còn nữa, thay vào tiếng xe máy thỉnh thoảng phá vỡ không gian tĩnh lặng ban đêm. Từng toà nhà cao ngất sát nhau, những ngõ nhỏ sâu hun hút lắt léo, che mất ánh trăng và hoa quỳnh, che luôn ánh mắt của tôi.

Những đêm yên ắng không dám ngủ một mình, chờ bà nội trên chiếc ghế gỗ nặng nề cứng ngắc, mà người vẫn còn mải đánh bài tụ họp một hai giờ sáng. Muỗi đốt, cơn buồn ngủ, sự cô độc. Lúc đó không biết đó là cô độc, chỉ sợ ngủ rồi sẽ bị bắt đi mất.

Ác mộng như sợi tơ đen kéo dài vô tận, vô thức chẳng hay biết.

Năm vỡ lòng thứ ba, tôi ốm, buổi sáng hôm đó không có dấu hiệu gì đặc biệt, ăn xong bữa sáng trứng ốp lòng đào thế là đau bụng, ói ra rất nhiều, nôn muốn trôi cả gan mật. Hình như không ai đưa tôi đi viện.

Lần thứ hai mở mắt, tôi nhìn thấy ông ngoại, mặc sơ mi trắng và quần kaki xám, tựa như thấy người duy nhất tin tưởng được, khóc không ra hơi.

Những năm sau này tôi cũng không ngẫm lại, vì sao mở mắt ra là thấy ông ngoại? Ông ngoại bôn ba chạy xe nửa tiếng vào nội thành, thế vì sao nhà nội không đưa tôi đi viện chỉ cách nhà 5 phút chạy xe?

Đến tận năm thứ hai tư, khi viết xuống những hồi ức này, mới hồ đồ nhận ra có gì đó không đúng. Mơ hồ sống nhiều năm thất bại đến như thế, lại cứ tự hào trực giác dã thú của mình. Nhưng mọi người vẫn luôn ưu ái cháu mà?

Cớ gì lại thế.

Chuyện cũ lật lại như cuốn truyện đọc dở, trà lạnh người đã đi rồi, trăng lên trăng lặn, hoa quỳnh cũng tàn. Tôi cũng không muốn truy tìm đáp án, bởi vì không quan trọng đến vậy.

Năm tháng vỡ lòng của tôi, vốn dĩ rải rác những hồi ức buồn tẻ và khao khát được yêu thương, may mắn đọng lại chỉ còn vị ngọt ngào của trái cây và hương hoa, sự dẫn đường của người trưởng bối từ ái.

Nền tảng ban đầu may mắn không quá tệ, cho dù chẳng phải trúc ngọc, thì cũng là mái ngói màu son.


Nếu bạn nhìn đến nội tâm của tôi, bạn sẽ thấy đứa trẻ đó vẫn tồn tại, song song một người bảo hộ trưởng thành.

Tôi đang tự bảo vệ lấy mình, nâng niu đoá hoa nứt vỡ trong lòng.

Tôi rất thích có bạn, tựa như một chú cún nhỏ tìm thấy đồng bạn trong bầy đàn đông đúc. Nhưng thế gian có quá nhiều vô tình, mà bạn lại quá mong manh.

Vài lời nói vô tình, vài sự bỏ qua ngẫu nhiên, hoà trong tiếng cười thiếu niên hồn nhiên năm ấy, tôi đã không còn nhiều dũng khí đến thế. Bạn nói bạn thích tôi, ngày mai bạn lại nói mình không thích bạn nữa. Bạn nói sẽ bảo vệ tôi, lại quay đầu làm lơ tôi bị tẩy chay vũ nhục.

Bạn nói bởi vì bạn nhỏ bé bất lực, tôi bật cười hoá ra nghĩa khí không từ nan mà trưởng bối dạy tôi lại bị vùi lấp trong ích kỉ đáng buồn đến thế. Tôi đã cỡ nào yếu nhược mà phải cầu xin người khác đến bên cạnh mình bầu bạn.

Sau này tôi hiểu ra, tôi không đáng phải làm thế, những người bạn này cũng không xứng đáng với sự chân thành của tôi.

Năm tháng qua đi, ly biệt mấy mùa, vài người quên đi sự tàn nhẫn với bạn học đồng hành vài năm, vui vẻ với cuộc sống mới, tình yêu mới, có người áy náy hồi âm xin lỗi hồi đó mình trẻ con quá, hùa vào bắt nạt bạn học.

Có người bạn chơi lâu năm cười nhạo tôi thù dai, ép tôi uống mấy chén canh gà tâm hồn, kêu tôi rộng lượng tha thứ, chuyện trẻ con đã qua rồi. Ngại quá, tôi tát bạn rụng răng rồi nói xin lỗi, bạn có chịu rộng lượng tha thứ không?

Đứng nói chuyện không đau eo.

Những ngày niên thiếu ấy, đối mặt với sự tàn nhẫn của thế giới, tôi dằn vặt chính mình. Nên ngay thẳng hay khéo léo? Trung thực hay khôn ngoan? Đạo lí người dạy quân tử khiêm khiêm ôn nhuận như ngọc, tấm lòng son chẳng phân nam nữ, cớ sao một tờ tiền giấy lại chia ra ba bốn năm bảy câu chuyện?

Tôi của năm ấy liền nghĩ, chuyện đời thật là giả tạo.

Bình luận về bài viết này